Tham gia chính trị và cách mạng Wilhelmine của Phổ, Thân vương phi xứ Oranje

WIlhelmine của Phổ, chân dung bởi Johann Georg Ziesenis. Bức chân dung Wilhelmine trong tư thế cưỡi ngựa bởi Tethart Philipp Christian Haag, trưng bày tại RijksmuseumAmsterdam

Từ năm 1788, Wilhelmine được chồng cho xem các tài liệu quan trọng.[16] Sau cuộc chiến tranh Anh-Hà Lan (1780–1784), khi hải quân Hà Lan không thể chống chọi với quân Anh, trách nhiệm bị quy về Willem V. Thân vương không thể đối phó được với sự nổi dậy mạnh mẽ của phe ái quốc dần can thiệp sâu vào chính quyền từ thị trấn này đến thị trấn khác.[17] Năm 1785, Wilhelmine cùng gia đình buộc phải rời khỏi Den Haag và Willem V nghĩ đến việc thoái vị.[18][19] Wilhelmine được khuyên rằng hãy để chồng thoái vị và lên nắm quyền, nhưng Thân vương phi không đồng ý.[20] Năm 1786, gia đình của Wilhelmine đã chuyển đến Nijmegen do Cung điện Het Loo đã trở nên không còn an toàn vì các hoạt động quân sự diễn ra tại Veluwe gần đó.[21][22]

Trong khi Willem V ở Amerfoort cùng quân đội trong nhiều tháng nhưng không dám tham chiến với phe ái quốc ở các tỉnh Hà Lan và Utrecht,[23] Wilhelmine mong muốn khôi phục vị thế của gia đình. Thân vương phi đã thảo luận với chồng rằng bản thân lại muốn đến Den Haag cùng hai con trai để thăm dò phản ứng khi có mặt hai con, tuy nhiên việc này được nhìn nhận là quá nguy hiểm và Willem V cũng phản đối đề xuất này. Nhưng sau cùng Wilhelmine cũng có được sự chấp thuận của chồng.[24] Sáng sớm ngày 28 tháng 6 năm 1787, Wilhelmine rời Nijmegen cùng với đoàn tùy tùng để đến Den Haag. Tuy nhiên, Thân vương phi cùng đoàn tùy tùng không thể đặt chân đến Holland vì bị người phe ái quốc chặn lại.[25][26] Họ nghi ngờ về số lượng lớn ngựa được yêu cầu và Wilhelmine bị đưa dến làng Hekendorp và bị giữ lại ở một trang trại gần Goejanverwellesluis trong hai ngày. Yêu cầu cho phép đến Den Haag của Wilhelmine gửi đến Quốc hội bị từ chối.[25]

Cả Wilhelmine và anh trai, Quốc vương Friedrich Wilhelm II của Phổ đều coi những sự việc này là một sự xúc phạm đối với Wilhelmine, vì Wilhelmine không chỉ là Thân vương phi xứ Oranje mà còn là một Vương nữ Phổ.[25][26][27] Mặt khác, hành động này của Wilhelmine được coi là một cái bẫy đối với phe ái quốc.[25] Friedrich Wilhelm II đã yêu cầu chính quyền ở Holland tạ lỗi với em gái nhưng bị từ chối.[28] Kế đó, Wilhelmine đã nhờ anh trai can thiệp quân sự. Lúc này, Pháp, dù rằng thường giữ liên lạc với phe ái quốc, quyết định giữ thế trung lập. Anh đe dọa sẽ can thiệp vào cuộc chiến theo phe Thống đốc. Do đó phe ái quốc lâm vào thế thân đơn thế cô.[25] Có sự đảm bảo từ phía Anh, ngày 13 tháng 9 năm 1787, Friedrich Wilhelm II, mặc dù mới nắm quyền được một năm, đã cho quân tấn công Cộng hòa Hà Lan tại biên giới tỉnh Gelderland.[26] Phe ái quốc không thể địch lại với 20.000 quân Phổ. Ngày 20 tháng 9 năm 1787 Willem V trở lại Den Haag được khôi phục lại quyền lực.[28] Hàng ngàn người thuộc phe ái quốc chạy trốn sang Pháp,[25] nhà cửa của họ bị thiêu rụi và tài sản bị tước đoạt. Những người ở lại thì bị tước bỏ chức vụ, bị tra tấn thể xác và đôi khi bị đưa ra tòa để trả thù. Wilhelmine tham gia tái xây dựng bộ máy nhà nước bằng cách bổ nhiệm người của mình vào các vị trí bị bỏ trống.[29]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Wilhelmine của Phổ, Thân vương phi xứ Oranje http://archive.org/details/bookofkingsroyal01mcna https://books.google.com.vn/books?id=-VdwDwAAQBAJ&... https://books.google.com.vn/books?id=HcSTJaqBzK4C&... https://books.google.com.vn/books?id=8IKWDwAAQBAJ&... https://books.google.com/books?id=AINPAAAAcAAJ&pg=... http://archive.org/details/princesoforanges0000row... https://books.google.com.vn/books?id=wwGvEAAAQBAJ&... https://books.google.com.vn/books?id=vOn4DwAAQBAJ&... https://www.britannica.com/place/Netherlands/The-p... https://books.google.com.vn/books?id=yWhiEAAAQBAJ&...